30/08/2023 10:40

Xuất khẩu điện sang Singapore: Phải đầu tư cả cáp ngầm 

Xuất khẩu điện không phải chuyện mới khi Việt Nam vẫn bán điện cho Campuchia. Nhưng xuất khẩu điện “sạch” sang Singapore lại là câu chuyện khác.

Bước khởi đầu cho xuất khẩu điện “sạch”

Ngày 29/8, Liên danh PTSC - Sembcorp được cấp phép khảo sát biển cho Dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore. Buổi trao giấy phép diễn ra trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng đại diện lãnh đạo các bộ/ngành hai nước và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam).

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã trao quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển (giấy phép khảo sát) cho Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) - đơn vị thành viên của Petrovietnam.

Đồng thời, đối tác Sembcorp Utilities Pte Ltd (Sembcorp) của PTSC được Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore trao Ý định thư chấp thuận dự án này.

Xuất khẩu điện sang Singapore: Phải đầu tư cả cáp ngầm 

Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam.

Sự kiện này là dấu mốc để Liên danh PTSC - Sembcorp có thể triển khai các bước tiếp theo trong việc phát triển dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam, xuất khẩu điện sạch sang Singapore.

Sau khi nhận được giấy phép, Liên danh PTSC - Sembcorp sẽ triển khai các công tác đo gió, khảo sát biển và địa chất tại một số khu vực ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm thu thập các dữ liệu cần thiết để triển khai công tác đầu tư, phát triển dự án.

Trước đó, vào tháng 2/2023, tại Singapore, PTSC và Sembcorp đã ký và trao Thỏa thuận Phát triển chung (JDA) về việc hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

Tham vọng lớn, thách thức nhiều

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore diễn ra ngày 27/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: Lĩnh vực năng lượng là trụ cột hợp tác mới rất quan trọng được bổ sung trong Hiệp định khung kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore với nhiều tiềm năng hợp tác.

Ông Dũng cho hay, tại Hội nghị lần thứ 16, hai bên đã trao đổi sơ bộ về khả năng hợp tác về năng lượng tái tạo để có thể bán điện sang Singapore từ các dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đã bày tỏ quan tâm tới khả năng xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Singapore.

Tại Tờ trình kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cũng tính toán ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lượng mới như hydro, amoniac xanh... trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xuất khẩu điện sang Singapore: Phải đầu tư cả cáp ngầm 

Việt Nam có tiềm năng lớn triển khai điện gió ngoài khơi.

Bộ Công Thương phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000-10.000MW.

Góp ý cho kế hoạch này, Bộ KH-ĐT cho rằng công suất điện gió ngoài khơi theo vùng đến năm 2030 cần sớm tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa danh mục dự án và địa điểm cụ thể.

Khi câu chuyện thiếu điện hồi tháng 5, 6 vừa qua trở nên nóng, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã cho rằng: Nếu chúng ta làm tốt thực hiện việc đầu tư nguồn điện thì hoàn toàn có thể xuất khẩu được điện.

Nhưng muốn xuất khẩu được điện, phải đầu tư cáp ngầm. Dự án mà Liên danh PTSC - Sembcorp được khảo sát cũng đã tính đến việc này. Theo nội dung thỏa thuận, PTSC và SCU sẽ hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển.

Theo Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường, đây là một trong những thách thức của dự án, tuy nhiên, trên thế giới đã có nhiều dự án tương tự được triển khai, như dự án cáp ngầm North Sea Link dài 720 km, công suất 1.400 MW kết nối lưới điện và chia sẻ nguồn điện từ năng lượng tái tạo giữa Na Uy và Vương quốc Anh.

Ông Cường tin tưởng có thể vượt qua được trở ngại này bằng việc bố trí hệ thống lưu trữ điện năng (ESS) đủ lớn cũng như áp dụng một số giải pháp về kỹ thuật để giảm thiểu tổn thất điện năng trong quá trình vận chuyển.

Rõ ràng, mục tiêu xuất khẩu điện tái tạo như trong quy hoạch điện VIII là rất tham vọng trong bối cảnh nguồn điện trong nước vẫn phải "ăn đong" trong một vài năm tới. Một lượng tiền đầu tư khổng lồ sẽ cần được huy động để hiện thực hóa được mục tiêu đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và cả xuất khẩu.

"Phải có những đột phá về cơ chế chính sách cho ngành điện cùng quyết tâm chính trị mạnh mẽ mới có thể đạt được "giấc mơ" đầy thách thức này", một chuyên gia bình luận.

Xuất khẩu điện sang Singapore: Phải đầu tư cả cáp ngầm 

Phê duyệt quy hoạch điện 8: Ưu tiên điện khí, xuất khẩu điện tái tạoThủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Bình luận

Tags:

xuất khẩu điện

xuất khẩu điện sạch

giá điện

thiếu điện

điện gió

EVN

năng lượng tái tạo

Tin cùng chuyên mục