02/06/2023 08:12

Xóm chạy thận cùng chia nhau mớ rau, miếng thịt

 

Đa số khách thuê đều là những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ giống nhau ở chỗ chẳng có bất kỳ khoản thu nhập ổn định nào.

Trăm mảnh đời, một số phận

Cách đây 3 năm, bà Trần Thị Kỳ (xã Tân Thành, huyện Yên Thành) phát hiện mình bị suy thận. Lúc lên bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh thăm khám, chồng bà là ông Trần Trọng Hùng vội vã đi theo để phục vụ “công tác hậu cần”.

Thế rồi khi biết vợ phải chạy thận hàng tuần, ông bà không còn cách nào khác là bỏ lại toàn bộ nhà cửa, ruộng vườn dưới quê để lên thành phố thuê trọ. Từ ăn uống, sinh hoạt đến việc đưa vợ đi chạy thận một tay ông Hùng làm hết.

Xóm chạy thận cùng chia nhau mớ rau, miếng thịt

Ông Hùng chăm sóc vợ sau mỗi lần bà chạy thận đầy mệt mỏi. Ảnh KC

“Cứ 3 lần mỗi tuần, chạy thận ở bệnh viện về, vợ tôi chỉ nằm hoặc ngồi một chỗ trên giường, toàn thân run lẩy bẩy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn”, ông Hùng tâm sự về bệnh tình của vợ.

Anh Lương Văn Chánh (trú xã Tam Đình, huyện Tương Dương) ở khu trọ này đã hơn 6 năm. Anh Chánh cho biết, cách đây 5 năm, khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau vùng lưng, nôn ói, anh đến bệnh viện huyện khám. Các bác sĩ kết luận anh bị suy thận, cách điều trị là phải chạy thận nhân tạo.

Xóm chạy thận cùng chia nhau mớ rau, miếng thịt

Căn bệnh suy thận khiến vùng bụng của anh Lương Văn Chánh phình to. Ảnh: KC

Tuy nhiên, bệnh viện huyện chưa có máy móc để thực hiện kỹ thuật điều trị này nên anh phải tới bệnh viện tuyến trên. Cuộc sống vốn đã eo hẹp, khi phải xa nhà điều trị dài ngày, khó khăn lại nhân lên gấp bội đối với những bệnh nhân như anh.

“Để tiện chăm sóc tôi, vợ phải chuyển từ quê lên thành phố, làm nghề bốc vác tại một lò gạch cách bệnh viện 7km. Đó là nguồn thu nhập chính để vợ chòng tôi bám trụ tại đây”, anh Chánh cho hay.

Căn bệnh suy thận giai đoạn cuối khiến vùng bụng của anh phình to như quả bóng, đôi mắt vàng hoe.

Xóm trọ nhỏ ấm áp tình người

Kế bên phòng trọ của anh Chánh là phòng trọ của chị Lô Thị Cúc (xã Thông Thủ, huyện Quế Phong). Chị Cúc về khu trọ này đã hơn 8 năm. Những người trong “xóm chạy thận” kể rằng, chị Cúc có số phận bi ai nhất ở đây.

Người phụ nữ miền Tây xứ Nghệ mắc căn bệnh hiểm nghèo từ khi 27 tuổi. Chị Cúc đã lập gia đình và sinh được 2 người con.

Anh Lương Văn Tú (SN 1986), chồng chị Cúc cho biết, ngày trước, vợ chồng anh làm ruộng ở quê, thu nhập chỉ đủ ăn đủ tiêu. Từ ngày biết vợ bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo thường xuyên, gia đình anh như gặp cú sốc. Tiền của trong nhà theo đó mà vơi kiệt, anh phải đi vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho vợ.

Vợ chồng anh gửi hai đứa con nhỏ cho ông bà nội ngoại nuôi giùm rồi đưa nhau lên thành phố tìm cách chữa bệnh.

Xóm chạy thận cùng chia nhau mớ rau, miếng thịt

“Xóm chạy thận” của những bệnh nhân nghèo. Ảnh: QH

Xóm chạy thận cùng chia nhau mớ rau, miếng thịt

Em Lương Thị Hồng Nhược (SN 2007) con gái chị Lô Thị Cúc vào chăm sóc, nấu ăn giúp mẹ những dịp được nghỉ học. Ảnh: KC

Trong khi sức khỏe vợ lại ngày một yếu dần, anh Tú chạy xe ôm trước cổng bệnh viện để kiếm thu nhập trả tiền phòng trọ và lo ngày 2 bữa cơm. Nhưng cuối năm 2022, anh phát hiện ra mình mắc bệnh tai biến.

Đầu năm 2023, anh đi mổ và vẫn chưa hồi sức. Những lúc ấy, chị Cúc chỉ biết đưa cánh tay gầy guộc với những đường tĩnh mạch nổi to như sợi chão sờ lên trán chồng rồi thở dài.

Lao động chính duy nhất trong gia đình nay không đảm đương được nữa. Chị Cúc bảo: “Thu nhập của chúng tôi chỉ trông vào sự trợ giúp của ông bà nội ngoại. Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo chứ biết làm sao”.

"Biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên mọi người trong xóm rất nhiệt tình giúp đỡ. Có tháng vợ chồng tôi hết tiền tiêu, mọi người lại đứng ra hô hào nhau đóng góp, cho vay", chị Lô Thị Cúc nói giọng biết ơn.

“Xóm chạy thận” gồm hơn 15 dãy nhà trọ chật hẹp, san sát. Dường như mọi không gian dù là nhỏ nhất ở đây đều được tận dụng làm phòng trọ.

Cuộc sống khó khăn, họ chia sẻ với nhau trong mỗi bữa cơm dù chẳng được tươm tất. Khi rảnh rỗi, họ quây quần kể cho nhau nghe về chuyện đời của mình. Đôi lúc đêm khuya có người trong xóm ốm nặng, họ lại í ới gọi nhau để đưa người đi cấp cứu.

Những người trong xóm chạy thận có thể thiếu sức khỏe, thiếu tiền bạc nhưng sống với nhau đầy nghĩa tình. Cứ thế họ nương tựa vào nhau, dìu nhau mà sống từ ngày này qua tháng ngày khác.

Mỗi khi có thành viên trong xóm gặp khó khăn, gia đình chưa kịp gửi tiền, mọi người lại chia nhau mớ rau, miếng thịt, san sẻ hộp sữa, cái bánh...

 

Tags:

chạy thận

bệnh nhân chạy thận

xóm chạy thận

mảnh đời bất hạnh

Tin cùng chuyên mục