16/06/2021 08:53

TP HCM cần kịch bản xét tuyển lớp 10

Thi tuyển lớp 10 là cách tốt nhất để chọn học sinh, song diễn biến Covid-19 đang khó lường, các nhà giáo cho rằng TP HCM nên chuẩn bị thêm phương án xét tuyển.

UBND TP HCM hiện chưa thể chốt được lịch thi tuyển sinh lớp 10, sau hai tuần hoãn (dự kiến hôm 2-3/6). Kỳ thi này cũng không thể tổ chức trong tháng 6 bởi thành phố phải giãn cách xã hội đến ngày 28, trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chung của cả nước sẽ diễn ra ngày 7 đến 9/7 - tức hơn một tuần sau lệnh giãn cách lần này.

Trong các nhóm chat, phụ huynh và học sinh chuẩn bị thi lớp 10 không giấu được lo lắng, rối bời do đã ôn luyện từ nhiều tháng trước. Càng kéo dài, học sinh càng áp lực. Do vậy, không ít người muốn TP HCM chuyển thi tuyển sang xét tuyển, hoặc cho học sinh lựa chọn một trong hai hình thức.

Theo ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM), ngay lúc này, thành phố cần chuẩn bị 3 phương án tuyển sinh.

Thứ nhất, vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho 83.300 em vào khoảng giữa tháng 8, nếu dịch bệnh lắng xuống và kịp thời gian khai giảng năm học. Đây là phương án tốt, công bằng nhất để chọn học sinh vào trường THPT nên phải được ưu tiên hàng đầu.

Thứ hai, Sở tổ chức thi tuyển cho học sinh đăng ký vào các trường THPT chuyên, lớp chuyên (khoảng 6.000-8.000 thí sinh), còn lại là xét tuyển. Kịch bản này được áp dụng nếu dịch bệnh chưa được dập hẳn nhưng cơ bản được kiểm soát, phòng thi được đảm bảo giãn cách do ít thí sinh.

Cuối cùng, trong diễn biến xấu nhất, Sở tổ chức xét tuyển toàn thành phố. Khi đó, tiêu chí về học lực, hạnh kiểm, các tiêu chí phụ với học sinh lớp 9 ở từng trường THPT phải rõ ràng, công khai, tránh tiêu cực, tranh cãi sau khi công bố kết quả.

Cùng quan điểm về những hạn chế của phương án xét tuyển, song ông Trần Mậu Minh (nguyên Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 - người theo sát kỳ thi tuyển sinh lớp 10 hơn 20 năm nay) kiến nghị thành phố cần kết hợp thi tuyển và xét tuyển trong năm nay.

Theo đó, kỳ thi được thu hẹp lại, chỉ tổ chức cho những em có nguyện vọng vào các trường THPT chuyên hoặc THPT top trên, có tỷ lệ chọi cao. Với các trường có tỷ lệ chọi thấp, số lượng đăng ký nguyện vọng 1 thấp hơn chỉ tiêu, Sở dùng phương án xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập THCS. "Cách làm này tất nhiên không tối ưu như thi tuyển nhưng bây giờ sức khoẻ và an toàn cho học sinh phải được ưu tiên hơn", ông Minh nói.

Nhiều hiệu trưởng THCS khác cũng cho rằng phương án xét tuyển phải được tính đến bởi đây là cách hợp lý nhất trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm, không thể đòi hỏi một phương án triệt để, công bằng như thi tuyển.

Theo đó, với những trường THPT chuyên, trường THPT có tỷ lệ chọi cao, điểm chuẩn cao nhiều năm trước (Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn, Bùi Thị Xuân...) sẽ áp dụng hình thức thi tuyển. Các trường còn lại áp dụng hình thức xét tuyển.

"Sở Giáo dục cần lên phương án và công bố sớm để những em không có nhu cầu thi tuyển vào trường top có thể yên tâm. Hiện chúng tôi vẫn dạy online hằng ngày, sợ các em quên kiến thức, cả thầy và trò đều rã rời", một lãnh đạo trường THCS ở TP Thủ Đức cho biết.

'TP HCM cần kịch bản xét tuyển lớp 10'

Thí sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) hồi cuối tháng 5. Ảnh: Hữu Khoa.

Trong khi đó, với góc nhìn của trường tiếp nhận học sinh trong kỳ thi lớp 10, ông Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du) cho rằng "dẫu muộn nhưng cần phải tổ chức thi", nếu xét tuyển sẽ không công bằng và dễ dẫn đến tiêu cực.

"Toàn thành phố có 83.300 em đăng ký thi nhưng chỉ có 67.000 chỉ tiêu vào trường công, vậy dùng cơ sở nào để loại gần 17.000 thí sinh là bài toán khó", ông Phú nói. Bởi sẽ xảy ra trường hợp, có em có thể không trúng ở trường này nhưng vẫn đủ điểm ở trường khác. Chưa kể thành phố có loại hình trường chuyên và trường thường, trong cùng một trường lại có lớp thường và lớp chuyên - rất khó xét tuyển.

Ngoài ra, đối với các trường top dưới, vùng ven, việc xét tuyển dẫn đến hiện tượng trường THPT thiếu học sinh, gây lãng phí cơ sở vật chất. Chẳng hạn, nhờ thi tuyển, học sinh ở Hóc Môn có thể "tràn" qua học 2-3 lớp tại một trường gần nhà ở Củ Chi. Giờ xét tuyển, sẽ có nơi thừa, nơi thiếu mà không có tiêu chí để lấp đầy một cách thuyết phục.

Ông Phú ủng hộ phương án đầu tiên của cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Ngai - tức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 có thể được tổ chức vào cuối tháng 7, thậm chí sang giữa tháng 8. Lúc đó, Sở Giáo dục có thể cử thêm giáo viên THCS tham gia coi thi, chấm thi để tăng tốc và đến lúc công bố điểm chuẩn cũng chỉ mất khoảng hai tuần. "Nếu dịch bệnh phức tạp, kỳ thi tuyển sinh này có thể muộn hơn nữa. Năm học 2021-2022 có thể khai giảng muộn hơn 5/9", ông Phú nêu quan điểm.

Về lâu dài, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du đồng tình quan điểm phải "chuẩn bị phương án dự phòng xét tuyển". Trong đó nêu rõ các tiêu chí (học lực, hạnh kiểm, điểm các môn học...) và phổ biến ngay đầu năm học để nhà trường, học sinh xây dựng kế hoạch dạy và học phù hợp.

'TP HCM cần kịch bản xét tuyển lớp 10'

Học sinh trường THCS Nguyễn Du (quận 1) ôn tập thi tuyển sinh lớp 10 ngày 13/5. Ảnh: Mạnh Tùng.

Trước đó, ông Lê Hồng Sơn (khi đang là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo) cũng cho rằng, dù kỳ thi lớp 10 phải hoãn để đảm bảo an toàn nhưng thành phố vẫn cần tổ chức thi, không thể xét tuyển. Lý do là nhiều em có một nguyện vọng cùng vào một trường, không thi sẽ không có tiêu chuẩn để tuyển chọn.

TP HCM hiện có 702 học sinh và 387 giáo viên trong các khu phong toả, cách ly. Toàn bộ đề thi, tài liệu liên quan đến kỳ thi lớp 10 được chuẩn bị trước đó đã bị huỷ, hội đồng in sao đề thi được giải tán.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức đang làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo để đưa ra phương án thi lớp 10 phù hợp nhất, tránh trùng lặp với thời điểm thi tốt nghiệp THPT.

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết, khoảng 15 năm trước, thành phố từng áp dụng phương thức xét tuyển học sinh với các trường THPT ở vùng ven, nơi có tỷ lệ chọi không cao, chỗ học dư dả. Tuy nhiên, phương án này "phá sản" ngay sau đó bởi chất lượng đầu vào không tốt, nhiều học sinh THCS ở khu vực lơ là học tập do "ỷ lại" khả năng chắc chắn đậu công lập.

Ngay cả khi thi tuyển, nhiều em tuy học lực khá nhưng bị điểm 0 môn Toán, có nơi thầy cô châm chước cho học sinh để duy trì thành tích nhà trường. Hiện tượng này phần nào nói lên thực trạng chất lượng học tập bị ảnh hưởng nếu không tổ chức một kỳ thi làm thước đo chung.

Mạnh Tùng 

Tin cùng chuyên mục