Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam tính hỗ trợ bằng tiền cho nhà đầu tư
Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam tính hỗ trợ bằng tiền cho nhà đầu tư
Nguyễn Lê Xem các bài viết của tác giả
27/07/2023 07:15 (GMT+07:00)
Bộ KH-ĐT đề nghị được thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là dùng phương thức cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư ngoài thuế, Bộ KH-ĐT đã xây dựng tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tờ trình này được xây dựng song song với tờ trình của Bộ Tài chính, đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, mà Việt Nam dự kiến sẽ tham gia vào năm sau (2024).
Theo đó, tờ trình có đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu với môi trường đầu tư Việt Nam.
Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam tính hỗ trợ bằng tiền cho nhà đầu tư. (Ảnh: Hoàng Hà)
Bộ KH-ĐT cho hay, việc thay đổi cách tiếp cận, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.
Bộ KH-ĐT đề xuất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ban hành thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư với 4 nhóm doanh nghiệp (DN).
Cụ thể, DN có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ, DN công nghệ cao, DN có dự án ứng dụng công nghệ cao đều phải có dự án quy mô vốn trên 12.000 tỷ đồng hoặc đạt doanh thu trên 20.000 tỷ đồng/năm.
Riêng với DN đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển, cần có quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng.
4 hình thức hỗ trợ đầu tư gồm: hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định và hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Về phương thức hỗ trợ đầu tư, cơ quan soạn thảo đề xuất, các khoản hỗ trợ đầu tư được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
Lý do đề xuất phương thức này, theo Bộ KH-ĐT, là phù hợp với các khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong quá trình xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.
Đây là các hình thức hỗ trợ đầu tư mà các quốc gia khác trong khu vực đang áp dụng, trong khi tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật.
Mức hỗ trợ đầu tư, có 2 giải pháp được đưa ra: hỗ trợ trần trên tổng mức đầu tư và hỗ trợ trần trên doanh thu.
Tuy nhiên, Bộ KH-ĐT cho rằng, cả hai giải pháp trên đều không có nhiều tác dụng trong việc kiểm soát ngân sách, mà còn có thể hạn chế thu hút đầu tư hoặc không hỗ trợ đúng đối tượng cần khuyến khích, làm giảm hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư.
Do đó, Bộ này đề xuất phương án “Ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư”.
Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định tại nghị quyết.
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam mất ưu thế thu hút FDI?Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI.
Bình luận
Tags:thuế tối thiểu toàn cầu
nhà đầu tư
hỗ trợ nhà đầu tư
hỗ trợ doanh nghiệp
Tin cùng chuyên mục