07/10/2023 15:04

Rộng cửa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy 9 tháng qua, số lao động xuất khẩu đã đạt 101,37% kế hoạch năm 2023.

Rộng cửa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Nhiều thị trường mới đón nhận lao động xuất khẩu của Việt Nam.

Về đích sớm

9 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 111.507 lao động (trong đó có 38.816 lao động nữ). Riêng trong tháng 9, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.273 lao động, trong đó có 5.042 lao động nữ.

Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc, với 55.690 lao động (23.758 lao động nữ). Những năm gần đây, Nhật Bản luôn là thị trường tiếp nhận nhiều lao động nhất, do có điều kiện làm việc, thu nhập hấp dẫn và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. Trong tháng 7 vừa qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước và tỉnh Wakayama (Nhật Bản) cũng đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung pháp lý cơ bản về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này. Theo đánh giá Chương trình hợp tác lao động Việt Nam, Nhật Bản luôn nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của Chính phủ và nhân dân hai nước. Các nỗ lực triển khai hiệu quả chương trình hợp tác đã mở ra cơ hội cho nhiều lao động Việt Nam có trình độ sang làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, Nhật Bản đã mở rộng thêm 9 lĩnh vực ngành nghề cho lao động Việt Nam sang làm việc tư cách lưu trú kỹ năng đặc định.

Ngoài Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng là những thị trường truyền thống có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam. 9 tháng qua, Đài Loan tiếp nhận 46.166 lao động (13.733 lao động nữ), Hàn Quốc 2.449 lao động (100 lao động nữ).

Từ kết quả trên, ông Đặng Sĩ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, Bộ LĐTBXH đang tập trung hướng đi mới, triển khai phát triển thị trường lao động tại một số nước khu vực châu Âu, trong đó có Hungary và mở thêm các thị trường như Ba Lan, Slovakia, Croatia...

Khai thác hiệu quả các hợp tác đã ký kết

Về giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, để tăng cơ hội cũng như thu nhập cho người đi làm việc ở nước ngoài, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để tận dụng cơ hội đã ký kết với các nước về hợp tác lao động như Đức, Hy Lạp, Hungary.

Với thị trường Đức, ông Hoan cho biết, Cộng hòa Liên bang Đức là một trong những đối tác truyền thống và chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài. Trong những năm gần đây, Bộ LĐTBXH Việt Nam và Cơ quan Lao động Liên bang Đức đã triển khai hợp tác tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi học tập và làm việc trong ngành y tá, điều dưỡng tại nước này. Tính đến nay, đã có khoảng trên dưới 1.000 y tá, điều dưỡng sang làm việc tại Đức thông qua các khóa đào tạo hợp tác giữa hai bên, hầu hết những y tá, điều dưỡng đều đang làm việc trong môi trường, điều kiện rất tốt và hưởng mức thu nhập cao.

Với thị trường Hy Lạp, chúng ta đang trong quá trình thiết lập hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại thị trường này trong lĩnh vực nông nghiệp. Được biết, đây là thị trường khá tiềm năng, hiện Hy Lạp thiếu hụt nguồn nhân lực trong nhiều lĩnh vực (60.000 lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến; 50.000 lao động trong lĩnh vực xây dựng và 50.000 lao động trong lĩnh vực du lịch). Do đó, phía Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp quốc gia Hy Lạp đang mở rộng tìm kiếm những thị trường lao động mới như Việt Nam với nguồn lao động chất lượng cao, an toàn và chăm chỉ.

“Hiện cơ quan chức năng hai bên đang tích cực thúc đẩy trao đổi, đàm phán để ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động. Đến nay, Bộ LĐTBXH đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp tạo nguồn lao động để đưa sang làm việc tại quốc gia này trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch nông sản và chế biến nông sản)” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Một thị trường khác hiện cũng có số lao động Việt Nam đi làm việc tăng trưởng tốt là Hungary. Năm 2022, thị trường này mới tiếp nhận 775 lao động thì trong 9 tháng năm nay đã tiếp nhận hơn 1.000 lao động.

Song song với việc thúc đẩy mở rộng thị trường, Bộ LĐTBXH cũng tăng cường các biện pháp ổn định thị trường lao động truyền thống; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó, nâng cao chất lượng doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn, đào tạo của các doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực.

Chủ đề: Lao động ở nước ngoài rộng cửa đi làm việc

Tags:

Rộng cửa

lao động

đi làm việc

ở nước ngoài

Tin cùng chuyên mục