02/08/2022 08:16

OPEC tuyên bố không cạnh tranh dầu mỏ với Nga

 

"Nga là một người chơi lớn, có ảnh hưởng mạnh trên bản đồ năng lượng thế giới", Haitham al-Ghais, tân tổng thư ký Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu Mỏ (OPEC), trả lời phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait ngày 31/7.

Ông al-Ghais nhấn mạnh OPEC "không cạnh tranh với Moskva", đồng thời khẳng định vai trò thành viên OPEC+ của Nga là "tối quan trọng" cho thành công trong các thỏa thuận của khối.

OPEC+ là nhóm gồm 13 quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga. Liên minh OPEC+ được xây dựng năm 2016, khi giá dầu thế giới xuống mức thấp kỷ lục.

Các nguồn thạo tin cho biết al-Ghais sẽ lần đầu tiên chủ trì cuộc họp OPEC+ vào ngày 3/8, trong đó xem xét kế hoạch giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9, bất chấp lời kêu gọi bơm thêm dầu ra thị trường từ Mỹ. Tuy nhiên, khả năng tăng nhẹ công suất khai thác dầu cũng sẽ được khối xem xét.

Theo ông, OPEC không kiểm soát giá dầu, song có vai trò điều chỉnh cung cầu của thị trường, mô tả tình trạng thị trường dầu hiện này là "rất bất ổn và hỗn loạn".

"Đợt gia tăng giá dầu gần đây không chỉ liên quan đến diễn biến chiến sự ở Ukraine", ông nhấn mạnh. "Mọi dữ liệu đều xác nhận rằng giá dầu đã bắt đầu tăng dần trước khi xung đột bùng phát. Việc tiếp tục thiếu hụt các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất sẽ đẩy giá dầu đi lên vào cuối năm nay, song không thể xác định rõ mức độ".

OPEC tuyên bố không cạnh tranh dầu mỏ với Nga

Ông Haitham al-Ghais tại cuộc họp báo ở Kuwait ngày 23/12/2018. Ảnh: AFP.

Hồi đầu tháng 6, OPEC+ đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và 8. Mức này cao hơn 200.000 thùng một ngày so với kế hoạch cũ, nhưng gần như không tác động tới giá dầu thế giới.

Arab Saudi, nước đóng vai trò dẫn dắt OPEC và cũng là nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, trước đó phớt lờ đề nghị của Mỹ về việc tăng nguồn cung. Họ vẫn tuân thủ hạn ngạch trong thỏa thuận với Nga và các nước khác thuộc OPEC+.

Riyadh cũng sẵn sàng ủng hộ Nga tiếp tục là thành viên OPEC+, trong bối cảnh phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva và Liên minh châu Âu (EU) đã áp lệnh cấm dầu Nga.

Giá dầu đã tăng mạnh trong năm nay, lên mức cao nhất kể từ năm 2008, vượt ngưỡng 139 USD/thùng vào tháng 3, sau khi phương Tây áp đặt làn sóng trừng phạt chưa từng có với Nga.

Giá dầu sau đó đã giảm xuống khoảng 108 USD/thùng do lạm phát và lãi suất cao, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu của thế giới.

Đức Trung (Theo Reuters)

Tags:

Moskva

Nga

OPEC

OPEC+

Arab Saudi

Kuwait

Chính trị xã hội thế giới

Tin

Tin cùng chuyên mục