Ông Tây tham vọng ươm tạo hàng chục startup triệu đô tại Việt Nam
Quan tâm đến hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, nhưng Shark Erik không chỉ rót vốn mà còn dành đến 200-300 tiếng tham gia huấn luyện các startup ngay từ giai đoạn thai nghén dự án.
Trên tầng 3 của một cao ốc tại TP.HCM, hai bạn trẻ đang thuyết trình về một ứng dụng công nghệ trò chuyện trực tuyến Naki, dưới sự hướng dẫn của ông Erik Jonsson. Đây là một buổi đối thoại thường xuyên của vị "cá mập" nước ngoài với hàng chục startup, nằm trong sáng kiến ươm mầm thế hệ khởi nghiệp Việt Nam.
Ông Erik là người đại diện điều hành của quỹ Antler tại Việt Nam. Doanh nhân đến từ Thụy Điển còn tư vấn cho 2 startup khác về công nghệ thương mại điện tử Augmented Hype và kết nối đơn hàng may mặc Upbrand, ngay buổi chiều hôm đó.
"Ông bầu" các dự án khởi nghiệp sớm
Erik là gương mặt quen thuộc trong ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Ông từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Zalora Việt Nam và Phó Giám đốc điều hành của Adayroi, đồng sáng lập Top Mốt...
Bên cạnh vai trò đối tác điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm Antler tại Việt Nam, ông cũng chính là Shark Erik - “cá mập” nước ngoài duy nhất tại chương trình truyền hình Thương vụ bạc tỷ (Shark Tank Việt Nam) mùa 5, 6.
Đến với Antler là quyết định khá hợp thời của "ông Tây" này, bởi quỹ đầu tư mạo hiểm có nguồn gốc từ Phần Lan trước đó vẫn luôn tìm kiếm đối tác vận hành tại Việt Nam - một thị trường khởi nghiệp đang rất sôi động của khu vực.
"Antler cần tìm người 2 năm trước đó. Đến năm 2021, họ gọi điện cho tôi và tôi nghĩ rằng thời điểm này, thị trường Việt Nam đã đủ sẵn sàng với mô hình của quỹ Antler", vị cá mập kể lại.
Ban lãnh đạo Antler lúc đầu cho rằng, các thị trường ở Đông Nam Á thì môi trường chỗ nào cũng giống nhau. Shark Erik đã phải thuyết phục nhóm lãnh đạo ở nước ngoài về chuyện nếu thành lập quỹ ở Việt Nam cần linh hoạt với từng điều kiện, và chỉ sử dụng một phần cách thức hoạt động của quỹ đầu tư mẹ.
Hiện Antler Việt Nam đã đầu tư vào 34 công ty khởi nghiệp kể từ khi gia nhập vào thị trường năm 2021. Mục tiêu của Antler là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp tiềm năng trong hệ sinh thái startup Việt Nam.
"Có rất nhiều người trẻ muốn khởi nghiệp nhưng chưa biết cách bắt đầu, có nhiều người muốn thành lập công ty nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi muốn hỗ trợ họ từ A đến Z", Erik chia sẻ.
Antler là quỹ đầu tư mạo hiểm duy nhất tham gia tư vấn cho các startup trong giai đoạn "thai nghén", cung cấp nguồn tài trợ tiền hạt giống (pre-seed) nhằm xác thực các ý tưởng khởi nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận mạng lưới kinh doanh toàn cầu.
Dù tham gia vào phân khúc đầu tư rất rủi ro, đối tác điều hành của Antler Việt Nam tiết lộ tỷ lệ thành công của các startup đã được quỹ rót vốn là hơn 75% (sau 2 năm), nhờ vào sự chọn lọc cẩn trọng và dành rất nhiều thời gian cho việc hỗ trợ dự án.
Tốn 10 tuần để huấn luyện
Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam cho thấy vốn đầu tư mạo hiểm vào các startup Việt giảm đến 56% trong năm 2022 do ảnh hưởng của biến động kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, "mùa đông gọi vốn" dường như chẳng tồn tại ở văn phòng Antler Việt Nam.
Quỹ đầu tư ngoại này vẫn thu hút hàng chục startup đến gọi vốn và tham gia vào sáng kiến Antler's Residency. Chiến lược này bao gồm cả chuỗi chương trình 10 tuần huấn luyện nghiêm ngặt để khởi động dự án, với cách tiếp cận mà quỹ ngoại gọi là “Day Zero” - tức là gần như bắt đầu từ số 0.
Shark Erik dành đến 200-300 tiếng để làm việc với startup. (Ảnh: Antler).
Sáng kiến Antler's Residency mỗi năm thu hút đến 5.000 ứng viên đăng ký, nhưng số lượng được chọn để tham gia chương trình ươm tạo chỉ khoảng 70 người. Tiêu chí của "cá mập" ngoại là những ứng viên có tinh thần ứng biến nhanh chóng, sẵn sàng học hỏi, có kinh nghiệm điều hành và cam kết thực hiện dự án.
Quá trình tìm kiếm startup được quỹ ngoại tuyển chọn khá cẩn trọng và tỉ mẩn. Đây là giai đoạn cần xác định doanh nghiệp hứa hẹn nào có tiềm năng mở rộng quy mô và dự án nào sẽ cần nguồn tiềntài trợ cho giai đoạn ban đầu.
"Quỹ đầu tư bình thường chỉ cần 3-5 lượt gặp mặt để đi đến quyết định đầu tư, còn Antler dành đến 200-300 tiếng để làm việc và huấn luyện, mất rất nhiều thời gian", Shark Erik bộc bạch.
Trong chuỗi huấn luyện, những nhà khởi nghiệp sẽ được tham gia vào khoá đào tạo chuyên sâu, thảo luận dự án cùng đồng đội và những người có chung đam mê, từ đó học hỏi lẫn nhau. Người tham gia sẽ nhận được ý kiến và kinh nghiệm từ tập thể để dần hoàn thiện dự án.
Sau đó, Antler sẽ thiết kế buổi tư vấn trực tiếp được cá nhân hoá cho từng doanh nghiệp, với đội ngũ doanh nhân giàu kinh nghiệm từ mạng lưới của quỹ đầu tư này. Các founder sẽ có cơ hội được giải đáp thắc mắc về những khó khăn cụ thể của dự án từ góc nhìn của chuyên gia.
Các founder được trao quyền tối đa, không chỉ bằng cách hỗ trợ tài chính mà còn trang bị cho họ những công cụ, kiến thức và mạng lưới rộng mở ngay từ đầu. Điều này nhằm nâng tầm các công ty khởi nghiệp ra toàn cầu, giúp họ vượt qua biên giới và đạt được thành công trong kinh doanh.
Chỉ nắm giữ 12% vốn dự án
Với chiến lược đầu tư rất mạo hiểm, tập trung vào các giai đoạn đầu của khởi nghiệp, danh mục đầu tư của Antler Việt Nam theo đó cũng rất đa dạng và không bị hạn chế, từ công nghệ y tế (health tech), công nghệ giáo dục (ed-tech), đến thương mại điện tử, fintech, climate tech, SaaS...
Đến nay, Antler Việt Nam đã thực hiện 4 chương trình hỗ trợ startup, với tổng số tiền đầu tư lên đến 3 triệu USD. Từ các chương trình ươm mầm khởi nghiệp này, 31 dự án đã khởi nghiệp thành công.
Một số startup tiêu biểu từng tham gia vườn ươm khởi nghiệp của Antler Việt Nam. (Ảnh: Huy Lê).
Những cái tên tiêu biểu xuất phát từ chương trình có thể kể đến như Buyo - doanh nghiệp cung cấp các giải pháp nhựa sinh học có thể phân huỷ sinh học, hay Alternō - cung cấp các giải pháp lưu trữ năng lượng nhiệt chi phí thấp cho khu vực châu Á.
Trước khi tham gia gọi vốn trong chương trình khởi nghiệp của Antler, các startup sẽ ký vào bản thảo thuận về Antler Việt Nam sẽ đầu tư cố định 110.000 USD để nắm giữ 12% vốn công ty, áp dụng với mọi dự án nếu được quỹ ngoại đồng ý cấp vốn.
Trong quá trình đầu tư này, Shark Erik chỉ ra khó khăn lớn nhất của các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam thường liên quan đến yếu tố con người, bởi các founder thường không cởi mở trong việc chia sẻ hết các vấn đề của dự án.
"Tôi cần founder giao tiếp rõ ràng hơn, cởi mở hết vấn đề. Mọi việc sẽ dễ nhất khi nói thật, như dự án có vấn đề này thì mình có thể giải quyết được không. Không nói thật thì rất khó hỗ trợ", ông bầu startup nói.
Quỹ đầu tư mạo hiểm này cũng nhiều lần từ chối rót vốn vào một số dự án khác do các ý tưởng kinh doanh còn mang tính ngắn hạn, quy mô thị trường còn quá nhỏ nên không đáp ứng điều kiện của Antler (quy mô phải đạt 100 triệu USD trong 5-10 năm tới).
Trước đây, các startup thường chỉ tập trung khai thác ở Việt Nam mà chưa có chiến lược phát triển ở Đông Nam Á. Với sự xuất hiện của Antler, giới khởi nghiệp trong nước bây giờ có thể dễ dàng bước chân vào các thị trường Singapore, Nhật Bản hay thậm chí là Mỹ, thông qua các chân rết khắp thế giới của quỹ đầu tư này.
Shark Erik đánh giá thị trường khởi nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây, không chỉ có các founder người Việt mà còn cả founder người nước ngoài đến lập startup, bởi có chi phí thấp hơn nhưng cơ hội thị trường lớn hơn.
Vị "cá mập" ấn tượng với trình độ khởi nghiệp của người trẻ Việt Nam so với các quốc gia mạnh trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Các startup Việt có mức độ sử dụng công nghệ rất cao, chiếm đến 40-50% tổng số dự án, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ 20-30%.
Antler là quỹ đầu tư khởi nghiệp toàn cầu hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp tài năng từ giai đoạn đầu tiên đến khi có thành tựu. Quỹ có mặt tại 30 thành phố bao gồm Singapore, Jakarta, TP.HCM, Kuala Lumpur, New York, London, Berlin, Stockholm, Bangalore, Seoul, Tokyo, Sydney...
Cộng đồng chuyên gia của Antler hỗ trợ nhà khởi nghiệp bắt đầu từ việc kết nối các đồng sáng lập, xác thực mô hình kinh doanh, tài trợ tiền hạt giống, các hỗ trợ mở rộng và tài trợ tiếp theo.
Đến nay, Antler toàn cầu đã đầu tư vào hơn 900 startup thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, với tổng giá trị các công ty lên đến 5 tỷ USD. Quỹ đầu tư mạo hiểm dự kiến đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ rót vốn vào khoảng 6.000 công ty trên toàn cầu.
'Cá mập' Thụy Điển dự định góp vốn vào 25 startup công nghệ Việt NamKhông chỉ rót vốn, 'Shark' Erik và quỹ Antler sẽ giúp nhà sáng lập các startup tìm kiếm người đồng hành và phát triển ý tưởng kinh doanh.
tin liên quan
Bình luận
Tags:startup
Việt Nam
Tin cùng chuyên mục