19/09/2021 05:00

Đầu tư công nghệ giúp phát triển nông nghiệp chính xác

Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đến từ Hà Lan, Israel, Nhật Bản... chia sẻ kinh nghiệm đầu tư công nghệ, chuyển đổi số giúp phát triển nông nghiệp.

Tham gia Diễn đàn quốc tế chuyển đổi số Nông nghiệp Việt Nam 2021, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đến từ Nhật Bản, Hà Lan, Israel.. đã có những chia sẻ thiết thực về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Đến từ Hà Lan, ông Frans Lips - Cán bộ chính sách cấp cao, Bộ Nông nghiệp Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan cho biết, Hà Lan có 17 triệu dân, trong khi diện tích đất nhỏ, tạo áp lực rất lớn lên ngành nông nghiệp. Người nông dân nơi đây cũng gặp nhiều khó khăn quá trình sản xuất. Do đó, áp dụng công nghệ chính là cách để quốc gia này giải quyết vấn đề.

Đầu tư công nghệ giúp phát triển nông nghiệp chính xác

ông Frans Lips - Cán bộ chính sách cấp cao, Bộ Nông nghiệp Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan.

"Nông nghiệp của Hà Lan định hướng chuyển đổi để phục vụ các thế hệ tương lai, cung cấp thực phẩm, đảm bảo ổn định phù hợp cho người nông dân.Theo đó, để tạo sự khác biệt cho các thế hệ tiếp theo, chúng tôi phải đưa ra các nghiên cứu mang tính chiến lược cả trong nông nghiệp, nước, thực phẩm", ông Frans Lips chia sẻ. Cụ thể, quốc gia này xác định đầu tư công nghệ, xem đây là cơ hội để giải quyết các vấn đề đang gặp phải, hướng đến "ngành nông nghiệp chính xác".

Hiện Hà Lan cố gắng giảm chất thải ra môi trường, sử dụng công nghệ để xây dựng hệ thống mùa màng mới, đem lại lợi nhuận cao. Ông Frans Lips kỳ vọng, công nghệ sẽ giúp ngành nông nghiệp của đất nước này trở nên hấp dẫn hơn, thu hút nhiều lao động trẻ hơn.

Đại diện Bộ Nông nghiệp Thiên nhiên và Chất lượng Thực phẩm Hà Lan cũng chia sẻ, "nông nghiệp chính xác" ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi thực phẩm cung ứng tại quốc gia này. Nông nghiệp chính xác đòi hỏi một số nguyên tắc: đo lường, lên kế hoạch, phân tích và chỉ thực hiện được khi có môi trường đất tốt, vụ mùa có sức chống chịu tốt.

Hà Lan cũng ý thức được rằng công nghệ không thể thay thế kiến thức về hệ sinh thái. Những "viên gạch" trong hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm cây giống, đất tốt, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật... cùng với kiến thức, công nghệ mới tạo nên những vụ mùa bền vững. Hà Lan cũng đã đa dạng hóa hệ thống mùa màng nhằm chống chọi lại bệnh tật, dịch bệnh.

Về chuyển đổi số, ông Frans Lips đánh giá, khó để người nông dân áp dụng công nghệ, trong khi doanh nghiệp chưa có định hướng rõ ràng, chưa phổ cập được cho nhân viên. Cùng với đó là những khó khăn khăn khi ứng dụng công nghệ mới ở trang trại của người dân.

Để giải quyết vấn đề này, Hà Lan đã hỗ trợ các chương trình giúp người dân tiếp cận công nghệ, hướng đến mục tiêu tăng tính phì nhiêu của đất, thuần thục cách thức sử dụng công nghệ. Những nông dân tham gia chương trình đào tạo này sẽ trở thành đại sứ trong chương trình. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng xây dựng giáo trình cho sinh viên, giúp sinh viên hiểu, áp dụng vào thực tế.

Cuối cùng, ông Frans Lips khẳng định: "Nông nghiệp chính xác là cách làm hoàn toàn mới về nông nghiệp, nhiều tiềm năng, song chúng ta phải đảm bảo hệ sinh thái, để có được ngành nông nghiệp thông minh, nhằm tạo môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp phổ cập cho người nông dân, nhân viên về cách làm".

Đến từ Israel, ông Matan Rahav, Giám đốc kinh doanh Công ty CropX cũng có nhiều chia sẻ hữu ích về cách quốc gia này ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp.

Đầu tư công nghệ giúp phát triển nông nghiệp chính xác

Ông Matan Rahav, Giám đốc kinh doanh Công ty CropX giới thiệu về các sản phẩm của công ty.

Theo ông Matan Rahav, nếu như các thiết bị đo dữ liệu trên mặt đất có giá phải chăng thì để lấy dữ liệu từ đất cần có phần cứng đắt tiền. Mặt khác, dữ liệu trên mặt đất về cơ bản cung cấp giá trị dự đoán thấp, bởi vào thời điểm bạn phát hiện dấu hiệu bất thường của cây trồng, cây trồng đã có vấn đề trước đó vài ngày từ dưới lòng đất - kết quả là giảm năng suất.

"Chúng tôi muốn có thể dự đoán và phòng ngừa bằng cách lấy dữ liệu từ đất và biết rằng cây cần nhận được những gì trước khi nó xuất hiện triệu chứng và đó là tất cả những gì chúng tôi hướng đến", đại diện CropX chia sẻ.

Tại diễn đàn, CropX đã giới thiệu về các sản phẩm của công ty - những thiết bị phân tích đất với nhiều ưu điểm như đơn giản, dễ sử dụng, dễ dàng giúp người nông dân phát hiện triệu chứng để sớm có biện pháp khắc phục. Thiết bị được đặt dưới lòng đất với quy trình cài đặt tự động, người dùng chỉ việc đặt xuống lòng đất là sẽ thu thập được dữ liệu về nhiệt độ, độ ẩm... Tất cả dữ liệu sẽ truyền tải lên "đám mây" và tích hợp mô hình dự đoán thời tiết... Sau đó sử dụng thuật toán học phức tạp và đưa ra những kiến nghị phù hợp.

Công nghệ này cũng tối ưu hoá tưới tiêu, tiết kiệm năng lượng, thậm chí có thể phát hiện những vấn đề như ô nhiễm môi trường, việc sử dụng chất bảo vệ thực vật nhiễm ra xung quanh. Sản phẩm hiện có mặt tại nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ, Australia.

Bên cạnh bài chia sẻ của hai chuyên gia đến từ Hà Lan, Israel, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, trường đại học Hiroshima (Nhật Bản) cũng trình bày về "Chuyển đổi số nông nghiệp và ứng dụng khoa học - công nghệ trong nông nghiệp tại Nhật Bản".

Đầu tư công nghệ giúp phát triển nông nghiệp chính xác

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đăng Xuân, trường đại học Hiroshima (Nhật Bản).

Ông Đăng Xuân cho biết, nông nghiệp chiếm 1,24 % GDP của Nhật Bản. Nhật Bản đứng trước nhiều thách thức như giảm số lượng nông dân, diện tích đất canh tác giảm và đang chú trọng phát triển kỹ thuật số để giải quyết vấn đề này.

Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI) được ứng dụng để tư vấn lượng nước, phân bón cho nông dân. AI, robot giúp quản lý số liệu. Bên cạnh đó là nhiều nghiên cứu hỗ trợ nông dân công tác kỹ thuật. Nền nông nghiệp kỹ thuật ở Nhật Bản đang ở giai đoạn đầu nên Việt Nam có thể áp dụng được.

Năm 2019, một người nông dân Nhật trung bình xuất khẩu nông sản thu được 40.000 USD, trong khi Việt Nam là 1.000 USD. Đặc biệt, 70% sản phẩm đến từ hộ nông dân sản xuất nhỏ. "Việt Nam nên lấy hộ nông dân sản xuất nhỏ là trung tâm. Trong các vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, có thể lấy là Đồng bằng Sông Cửu Long làm trung tâm", ông Trần Đăng Xuân nêu ý kiến.

Phó Giáo sư cũng cho rằng để phát triển nông nghiệp kỹ thuật số, Việt Nam nên học từ Nhật Bản, đưa sinh viên trẻ sang Nhật Bản để thực tập. Hàng năm, có 4,5 vạn thanh niên sang Nhật nhưng số lượng học về ngành nông nghiệp không nhiều.

 

Tin cùng chuyên mục