Dấu ấn tín dụng chính sách giúp giảm nghèo, cải thiện đời sống
Thông tin từ Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên, về kết quả triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, đến ngày 29/02/2024, tổng nguồn vốn tín dụng là 4.726 tỷ đồng, gồm: 4.380 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương; 244 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động tại địa phương và 102 tỷ đồng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương. Sau hơn 21 năm hoạt động, tổng nguồn vốn tín dụng tăng 4.635 đồng so với đầu năm 2003, tỉ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 26%/năm.Chia sẻ về những dấu ấn tín dụng, ông Hoàng Ngọc Thương - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên chia sẻ: “Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Điện Biên có nhiều chương trình tín dụng tiếp cận được với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều đối tượng. Hiện đơn vị đã triển khai 26 Chương trình cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.
Ông Hoàng Ngọc Thương - Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên.
Trong 21 năm qua, cùng với việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng cũng luôn đảm bảo và ngày càng nâng cao. Đại bộ phận người nghèo và các đối tượng chính sách khác trả nợ đúng hạn các khoản vay theo quy định. Tỉ lệ nợ xấu hàng năm giảm so với năm trước (năm 2003 khi nhận bàn giao tỉ lệ nợ xấu là 4,13% trên tổng dư nợ). Đến nay, tỉ lệ nợ quá hạn thường xuyên dưới 0,5% trên tổng dư nợ; tỉ lệ thu lãi hàng năm đạt trên 95%. Qua đó đã phản ánh hoạt động tín dụng chính sách với mục tiêu chính là thực hiện các chính sách an sinh xã hội song luôn duy trì hoạt động hiệu quả và đảm bảo nguyên tắc tín dụng là hoàn trả cả gốc và lãi theo quy định. Về hiệu quả của các chính sách tín dụng, ông Thương cho biết: “Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.Cụ thể, trong 21 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ trên 430.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, cải thiện về cuộc sống, chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; trên 158.000 lượt lao động được tạo thêm việc làm mới, trong đó có 789 lao động đi xuất khẩu lao động; trên 22.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng và cải tạo được hơn 46.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 17.000 ngôi nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 167, Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 100 của Chính phủ…Đến ngày 29/02/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách là 4.720 tỷ đồng, chiếm 23,4% trên tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh (4.720/20.150 tỷ đồng). Trong đó, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn tín dụng chính sách đã được tập trung đầu tư về các vùng nông thôn. Dư nợ đạt 4.462 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 94% tổng dư nợ tín dụng chính sách, với số hộ là 72.480 hộ.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.Về công tác phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trên địa bàn để quá trình giải ngân vốn diễn ra hiệu quả, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên chỉ rõ, để hướng dẫn cho bà con sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đầu tiên Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp sẽ tham mưu cho các cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt các ban đại diện, bao gồm thành viên là lãnh đạo các ban ngành, các sở,... cùng phối hợp với nhau để triển khai. “Ngoài ra, công tác tập huấn đào tạo, ngoài trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền thì các tổ chức hội cũng cùng thực hiện, phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,.. hướng dẫn hội viên cách sử dụng nguồn vốn hợp lý. Do đó, về cơ bản các nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên không có rủi ro nhiều”, ông Thương nói.Từ những kết quả đạt được trên, Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên xác định, tập trung nguồn lực để nâng cao năng lực cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên để phát triển ổn định lâu dài, đồng thời duy trì được vai trò là định chế tài chính công thực hiện các chính sách xã hội của Chính phủ, tập trung vào những lĩnh vực mà các tổ chức tài chính hoạt động theo nguyên tắc thị trường không thể đáp ứng hoặc chỉ đáp ứng được một phần. Đồng thời, tăng cường nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tăng trưởng nguồn vốn tín dụng bình quân hằng năm khoảng 10%. Cơ cấu nguồn vốn ổn định, bao gồm: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đến năm 2030 chiếm tối thiểu 5%/tổng nguồn vốn; Nguồn vốn huy động tại địa phương đến năm 2030 chiếm tối thiểu 5%/tổng nguồn vốn tín dụng.Song song với đó là thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao và các chương trình tín dụng do địa phương, các tổ chức, đơn vị giao vốn ủy thác; 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện do Ngân hàng chính sách xã hội cung cấp.Cuối cùng, ông Hoàng Ngọc Thương nhấn mạnh: “Mục tiêu của Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên là quản lý tốt nợ tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu của các chính sách tín dụng. Tỉ lệ nợ quá hạn dưới 2%/tổng dư nợ”.
Tags:Điện Biên
Ngân hàng chính sách xã hội
ngân hàng
vốn tín dụng
người nghèo
giảm nghèo
cải thiện đời sống
Tin cùng chuyên mục