03/02/2022 05:43

Chuyện làm đường nối TP HCM với Biển Đông

Gần 40 năm trước, việc xây đường Nhà Bè - Duyên Hải xuyên Rừng Sác nối TP HCM với Biển Đông được xem là một "kỳ tích" vì phải "vượt qua muôn vàn gian khó".

Tháng 12/1978, huyện Duyên Hải (nay là Cần Giờ) tỉnh Đồng Nai được sáp nhập vào thành phố theo Nghị quyết Quốc hội khóa IV. Huyện là địa phương duy nhất của TP HCM giáp biển (23 km), cách khu trung tâm chừng 50 km.

Thời điểm đó, giao thông đường thủy là phương tiện chủ lực của Duyên Hải - Cần Giờ. Từ trung tâm huyện tới nội đô TP HCM phải vượt biển qua Vũng Tàu rồi về thành phố hoặc đi thuyền từ bến Bạch Đằng tới huyện, thời gian mất nửa ngày, chưa kể bão, sóng to, gió lớn, tàu bè đi lại khó khăn.

Ông Võ Văn Tình, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Duyên Hải, cho biết trước năm 1983, đường bộ ở huyện chỉ có 13 km, huyện đã tính toán và quyết tâm làm cho được một con đường từ Duyên Hải về thành phố. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, chính quyền gặp nhiều khó khăn. Huyện gửi 3 công văn cho Thành ủy, UBND thành phố xin làm đường, song không được duyệt.

"Với quyết tâm cao, huyện Duyên Hải quyết định ‘lách luật’, tự làm đường liên xã vì đường nội bộ khỏi xin phép. Lúc đó mọi người suy nghĩ nếu không đi được bằng xe hơi thì đi xe lam, không đi được xe lam thì đi xe 2 bánh...", ông Tình nhớ lại.

Chuyện làm đường nối TP HCM với Biển Đông

Cảnh làm đường ở huyện Duyên Hải những năm 1983 - 1985. Ảnh tư liệu

Dự án đường liên xã triển khai, nhiều người dân hiến đất, ủng hộ ngày công. Ngày khởi công dự án, người dân và học sinh reo hò, ca hát. Dứt tiếng trống lệnh khởi công, công nhân ồ ạt ra quân. Tuy nhiên, phương tiện thủ công, địa hình, thời tiết xấu, đất sình lầy, thiếu nước ngọt... đã ảnh hưởng quá trình thực hiện. Có lúc, hầu hết công nhân phải nghỉ làm vì sốt rét, muỗi độc.

Sau hơn 4 tháng, đường liên xã (Bình Khánh - An Nghĩa) hoàn thành, dài 11 km, rộng 4 m, cao 1,2 m, tổng vốn hơn 5,4 triệu đồng (tiền ngân sách và vận động). Đất mới đắp, mặt đường còn lởm chởm chưa đi được nhưng huyện quyết định khánh thành, mời lãnh đạo thành phố về dự.

Buổi lễ khánh thành vào ngày 30/7/1983 tại xã Bình Khánh, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Vĩnh Nghiệp phải đi chân đất cắt băng. Đường đất mới làm gặp mưa lầy lội, phải lót tôn đón khách vào hội trường. Thấy cảnh đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu huyện lên phương án làm đường và đây chính là bước ngoặt của tuyến độc đạo này.

Thành ủy sau đó thông báo giúp huyện Duyên Hải làm đường từ Nhà Bè - Duyên Hải, đưa một công trình liên xã của huyện thành dự án của TP HCM. UBND thành phố cho lập 3 ban (chỉ đạo - quản lý - vận động) để xây dựng tuyến đường. Dự án bắt đầu từ Bình Khánh đến hương lộ 1 dài 36 km, rộng 8 m, cao 0,5 m, xe tải 13 tấn có thể đi qua.

Ngày 7/4/1984, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp dự lễ khởi công làm nền đường tại xã Bình Khánh. Trên 500 chiến sĩ ra quân với khí thế sôi nổi. Lực lượng làm đất đợt này gồm 16 đơn vị rải khắp tuyến đường. Điều kiện làm việc vô cùng gian khổ, lực lượng thi công phải đào đắp từng khối đất. Đường được xây trên vùng đất sình lầy, hoang vu, không chỗ che mưa nắng, điều kiện vô cùng khắc nghiệt...

Suốt quá trình thi công, nhiều lãnh đạo Trung ương như Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, Võ Văn Kiệt (lúc bây giờ là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước) đã giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ. "Những vật tư vay, mượn đều có bảo đảm và lệnh của các lãnh đạo cao cấp nên mọi việc đều trôi chảy", ông Tình nhớ lại.

Chuyện làm đường nối TP HCM với Biển Đông

Lễ khánh thành tuyến đường Nhà Bè - Duyên Hải trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1985). Ảnh: TTXVN

Tuyến đường được chọn là một trong 7 công trình chào mừng 10 năm Thống nhất đất nước. Tuy vậy, đến tháng 10/1984 công việc vẫn còn bề bộn, 4 km nền đường chưa hoàn chỉnh. Công trình dự toán khoảng 200 triệu đồng nhưng thành phố chỉ duyệt 100 triệu đồng, phần còn lại yêu cầu "nhân dân cùng làm".

Để có thêm kinh phí, ngày 24/9/1984, thành phố thành lập Ban vận động xây dựng tuyến đường. Nhiều hoạt động được tổ chức, như xổ số kiến thiết, chương trình tiết kiệm 1% cho Duyên Hải, bán vé chiếu phim, làm thêm ngoài giờ... Nhiều cơ quan, ban ngành, nhân sĩ, trí thức giúp đỡ vật chất như gỗ, gạo, lương thực, thực phẩm...

Ngày 28/4/1985, tuyến đường được thông xe kỹ thuật, các lãnh đạo Trung ương như Võ Văn Kiệt, Đồng Sỹ Nguyên đều đến dự. Sau khi thông xe, Ban quản lý công trình tiếp tục phần việc còn dang dở. Mọi nguồn cung cấp tốt nhất của thành phố và Trung ương dành cho dự án nhưng vẫn không đủ. Công trình thiếu đủ thử từ búa đóng cọc, vật tư, xe chở đất, xi măng, xăng, dầu, sắt, thép và cả tiền.

TP HCM đã "chạy vạy, xoay sở" đủ mọi cách từ thành phố đến Trung ương, từ dân sự đến quân sự để nhờ hỗ trợ cho việc thi công tuyến đường Nhà Bè - Duyên Hải. Sau hơn 2 năm, công trình đã hoàn thành.

Để tuyến đường Nhà Bè - Duyên Hải hình thành, 43 đơn vị thi công đã đắp 1,2 triệu m3 đất, chở đến công trường hơn 80.000 m3 đá các loại, hơn 80.000 m3 sỏi đỏ, 5.000 m3 bêtông; gần 2.900 tấn xi măng; 5.000 tấn thép; 500.000 tấn vật liệu; sử dụng hơn 2 triệu lít xăng dầu với kinh phí gần 218 triệu đồng...

Ngày 29/4/1986, niềm vui đến với người dân Duyên Hải khi tuyến đường được khánh thành. Hàng nghìn người dân vui mừng đổ ra theo suốt tuyến đường. Gần 6h40, ở đầu Bình Khánh, Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Hùng cùng Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Khải cắt băng khánh thành tuyến đường.

Chuyện làm đường nối TP HCM với Biển Đông

Đường Nhà Bè - Duyên Hải (nay là đường Rừng Sác - Cần Giờ) tháng 9/2021. Ảnh: Quỳnh Trần

Cùng với tuyến Nhà Bè - Duyên Hải, huyện đã cho xây các tuyến đường nhánh nối các xã với các nông trường và các nông trường đến tuyến đường chính. Một mạng lưới đường bộ dài 89 km thay hệ thống giao thông sông rạch chằng chịt của Duyên Hải. Đến năm 2011, thành phố chi hơn 1.500 tỷ đồng để nâng cấp tuyến đường Rừng Sác - Cần Giờ.

"Gần 40 năm, tuyến Nhà Bè - Duyên Hải giờ là đường Rừng Sác tươi đẹp của TP HCM. Tôi vẫn còn nợ một lời cảm ơn đến các vị lãnh đạo đã quyết định sự thành công, mở đường xuyên rừng Sác, các lực lượng thi công vất vả trên 2 năm trời, những tấm lòng nhân dân cả nước dành cho Duyên Hải. Và còn một ước mơ có cây cầu Bình Khánh nôi đôi bờ huyện Cần Giờ và thành phố", ông Võ Văn Tình, nguyên Phó chủ tịch huyện Duyên Hải nói.

Tin cùng chuyên mục