25/10/2022 09:08

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Trao đổi với Dân trí, chuyên gia giáo dục cho rằng việc thiết kế ngày học phải bắt đầu từ lợi ích lâu dài của học sinh, chứ không phải để thuận tiện cho hoạt động của trường, cho giờ làm của cha mẹ, hay cho các bậc quản lý của xã hội.

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Học sinh tại TPHCM vội vã đến trường từ sáng sớm (Ảnh: Quang Ninh).

Một ngày của trẻ bắt đầu sớm, kết thúc muộn hơn người lớn

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên, bày tỏ, ông rất quan tâm đến tranh luận gần đây về việc trường học bắt đầu từ mấy giờ vào buổi sáng là hợp lý . Rất khó để có câu trả lời thống nhất khi việc đi học của trẻ được gắn với giờ làm việc của cha mẹ.

Có một thực tế là một ngày của trẻ em hiện rất dài, bắt đầu sớm hơn người lớn và kết thúc trễ hơn người lớn rất nhiều. Trong khi về mặt khoa học, trẻ em cần có thời gian ngủ nhiều hơn người lớn để cơ thể tiếp tục phát triển.

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Phụ huynh vội vàng trong việc đưa con đến trường (Ảnh: P.N).

Theo chuyên gia giáo dục này những nguyên nhân khiến tình trạng ngày học của học sinh Việt Nam kéo dài, gồm:

Do cách thiết kế năm học: Năm học của Việt Nam được thiết kế gồm 9 tháng, hay 35 tuần, hay 175 ngày học. Con số này có thể ít hơn các trường phương Tây là 10 tháng, hay 40-42 tuần, hay 180-200 ngày học. Bằng cách tăng số ngày học trong năm lên 20 ngày, chúng ta có thể rút ngắn ngày học xuống khoảng một giờ mà không ảnh hưởng tới tổng số giờ học trong năm.

Học sinh Việt Nam nghỉ hè dài tới 3 tháng là không cần thiết, có thể rút ngắn xuống 2 tháng hè hoặc ít hơn. Đồng thời chia nhỏ thành các kỳ nghỉ giữa kỳ, cuối kỳ để học sinh được nghỉ sau khoảng mỗi 10 tuần học. Thay vì phải bắt đầu học lúc 7h, các em có thể đến trường trễ hơn khoảng 1 tiếng.

Do giờ hoạt động của trường học được thiết kế theo giờ cha mẹ đi làm: Cách thiết kế này có ưu điểm hỗ trợ cho đại đa số cha mẹ tiện sắp xếp việc đưa đón con. Nhưng nhược điểm lại là trẻ phải đến trường trước cả giờ cha mẹ bắt đầu làm việc.

Các đô thị rất cần phát triển hệ thống xe bus miễn phí/ưu đãi phí dành cho học sinh. Hiện rất nhiều xe bus tại TPHCM vắng khách, nhưng lại không có xe bus "công lập" dành cho học sinh tới trường.

Theo Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên, được đi xe bus tới trường là một quyền về an toàn của học sinh. Việc ôm lưng cha mẹ đi xe máy tới trường rất nguy hiểm, chưa kể nhiều phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con khi tham gia giao thông.

Do học sinh ngủ trưa ở trường: Rất ít trường phương Tây cho học sinh ngủ trưa tại trường, ở khối trung học càng hiếm. Lý do trường học đang chuẩn bị cho một thế hệ người lao động tác phong làm việc công nghiệp. Thói quen ngủ trưa của người lao động thực ra được mang theo từ trường học.

Trường học của Việt Nam vẫn cho trẻ ngủ trưa tại trường, điều này có hệ lụy là tạo ra những người lao động luôn bị ảnh hưởng bởi nhu cầu ngủ trưa. Ngủ trưa sẽ chia đôi ngày làm việc với chu kỳ buồn ngủ - thức dậy - cần thời gian tỉnh táo để quay lại công việc. Việc này cũng khiến cho thời gian ở trường kéo dài nhưng không phải vì việc học.

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Giờ vào học quá sớm, học sinh ngủ không đủ giấc đêm, ăn sáng vội vàng ảnh hưởng đến sức khỏe (Ảnh: Quang Ninh).

Do dạy thêm, học thêm: Chương trình phổ thông tổng thể phiên bản 2018 của Việt Nam hiện quy định số tiết học trung bình của học sinh tiểu học là 25-30 tiết/tuần (mỗi tiết 35 phút), với trung học là 30 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút). Nếu áp dụng mức trung bình này, thì thời gian thực học của học sinh tiểu học là 3-4 giờ/ngày, học sinh trung học là 4,5 giờ/ngày. Con số đó không hề cao.

Nhưng ngày học của học sinh kéo dài như hiện nay vì lý do gì? Rõ ràng đó là việc các trường học kéo dài ngày học của học sinh cho các hoạt động khác, bao gồm cả việc học thêm.

Nếu thời gian kéo dài thêm ở trường, học sinh được hưởng một giờ mỗi ngày cho vận động, thể dục, thể thao và một giờ nữa cho các câu lạc bộ nghệ thuật, ngoại khóa, giải trí khác thì quá tốt. Nhưng nếu việc kéo dài ngày của trẻ chỉ để dạy thêm trong trường là điều hoàn toàn không tốt.

Thiếu ngủ đêm, ăn uống vội vàng: Ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Hà Huy Thọ cho biết, trẻ không nên ăn uống vội vàng vì răng và chức năng tiêu hóa chưa hoàn hảo. Một muỗng cơm trẻ phải nhai từ 4-8 lần, nếu thêm thịt cá có thể lên tới 12 lần.

Nhưng có một thực tế ở Việt Nam, một số bậc cha mẹ thường có thói quen bắt con phải ăn nhanh, vội để đến trường. Điều này dẫn đến 80% trẻ họcsinh tiểu học hiện nay bị trào ngược dạ dày.

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Đặc biệt, bác sĩ dinh dưỡng này nhấn mạnh bữa ăn sáng là bữa chính và rất quan trọng đối với trẻ từ lớp 1 đến lớp 12. Nếu ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu đạm, đường, chất béo, các vitamin, chất xơ… sẽ ảnh hưởng đến thể chất, cụ thể là sự phát triển của 3 hệ tuần hoàn, hệ cơ xương khớp và hệ thần kinh.

Nhưng bữa sáng hiện nay, cha mẹ không có thời gian chuẩn bị, nhiều học sinh được phụ huynhcho ăn xôi hoặc bánh mì thịt quá nhiều mỡ kéo dài. Đứa trẻ vật lộn, vội vã theo thời gian của người lớn ảnh hưởng dinh dưỡng rất nhiều.

Việc vào học sớm cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian ngủ của học sinh. Chạy theo lịch học ở trường, nhiều học sinh chỉ có 5-6 tiếng để ngủ mỗi đêm, nhất là vào mùa thi.

Bác sĩ Hà Huy Thọ khuyến cáo, giấc ngủ của trẻ ở ban đêm cần đảm bảo đủ từ 7,5-8 tiếng.

Về mặt sinh học, tốt nhất là sau 21-22h trẻ nên đi ngủ. Vì thời gian từ 0-2h là thời gian não bộ sắp xếp lại những thông tin đã thu thập trong ngày, lục phủ ngũ tạng của trẻ cũng đang hoàn thiện và phát triển.

Nếu không đáp ứng thời gian ngủ này, lâu ngày đứa bé sẽ bị nhược cơ, không phát triển được xương. Trẻ phải thức dậy đi học sớm quá sẽ khó tiếp thu bài vở, lâu ngàyảnh hưởng đến sự phát triển chức năng của não bộ.

Theo ông Thọ phải làm sao đảm bảo được cho học sinh ngủ đủ giấc và có thời gian ăn uống đủ chất.

Phân tích thêm vấn đề trên, bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng một bệnh viện tại TPHCM cho biết, nếu trẻ ăn sáng ít, không đủ chất hoặc bỏ ăn sáng sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cơ thể, có thể gây thiếu máu, hạ đường huyết, dẫn đến ngất xỉu vào cuối giờ sáng.

Liên quan đến giấc ngủ, khi thiếu ngủ sẽ làm trẻ học kém tập trung, ngủ gục, ảnh hưởng kết quả học tập và thi cử, thậm chí có thể gặp nguy hiểm tính mạng nếu ngủ gục trong khi lái xe đến trường và về nhà.

Bác sĩ Thủy khuyến cáo, nếu ngủ đêm không đủ, trẻ cần có giấc ngủ trưa. Ở Việt Nam, đất nước thuộc xứ nhiệt đới, thường có giờ làm việc dài từ 9-10 tiếng liên tục nên có tập quán nghỉ trưa một chút để tỉnh táo hơn vào giờ chiều. Thói quen lâu đời này đã làm cơ thể điều chỉnh quen với việc phải có giấc ngủ trưa dù thời gian ngắn. Nếu tập luyện bỏ thói quen nghỉ trưa thì sẽ buồn ngủ sớm vào buổi tối.

"Điều quan trọng là ngủ đủ và thấy tỉnh táo trong thời gian thức", bác sĩ Thủy nói.

Chuyên gia cảnh báo gì khi nhiều trẻ phải dậy đi học từ 5 giờ sáng

Giờ vào học cần dựa trên lợi ích của học sinh hơn là lợi ích về mặt quản lý hay tiện lợi cho phụ huynh (Ảnh: Hải Long).

Thạc sĩ Bùi Khánh Nguyên nhấn mạnh, đối với giờ học của con trẻ, lựa chọn nằm trong tay chúng ta. Chúng ta muốn một thế hệ thanh niên mụ mị vì học nhiều, chơi ít, hay muốn một thế hệ học sinh năng động, khỏe mạnh, sáng tạo, làm việc hiệu quả và cạnh tranh tốt với thanh niên các nước khác? Điều này cũng có thể do sự lựa chọn trong cách chúng ta thiết kế một ngày học cho học sinh.

Học nhiều giờ mỗi ngày không hoàn toàn đồng nghĩa với chăm học và càng không đồng nghĩa với học tập hiệu quả. Việc thiết kế ngày học cho học sinh phải bắt đầu từ lợi ích lâu dài của chính học sinh, chứ không phải để thuận tiện cho hoạt động của trường, cho giờ làm của cha mẹ, hay cho quản lý của xã hội - những điều thứ yếu.

Tin cùng chuyên mục