Chờ đợi sự đổi mới trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn
Là kỳ thi tốt nghiệp THPT cuối cùng của Chương trình GDPT 2006, với môn thi tự luận duy nhất, đề môn Ngữ văn vẫn duy trì cách hỏi cũ, không có nhiều đổi mới, khác lạ trong cách tiếp cận.
Trao đổi với Người Đưa Tin, thầy Đoàn Mạnh Linh – Giáo viên Trường THPT FPT nhận thấy đề có nội dung ý nghĩa và có tính phân loại
“Phần đọc hiểu là 1 ngữ liệu rất hay, giàu ý nghĩa, nói về những dòng chảy của những dòng sông, ẩn dụ cho dòng chảy lịch sử văn hoá, nghệ thuật của người nghệ sĩ đa tài Nguyễn Quang Thiều”, thầy Linh cho hay.
Về câu hỏi đọc hiểu, rất dễ với câu 1, câu 2, gần như ở dạng nhận biết, đáp án tìm ngay trong văn bản.
Câu 3 được nhận xét là cách ra đề thú vị, thay vì hỏi tác dụng của biện pháp ẩn dụ, người ra đề hỏi một cách khác.
Thầy giáo đánh giá: “Liên tưởng dòng chảy dòng sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật, thực tế học sinh chỉ cần trình bày tác dụng hình thức tăng sức gợi hình gợi cảm, nhấn mạnh vào sự tiếp nối, không bao giờ ngưng nghỉ, như mạch nguồn chảy mãi, từ đó thấy được thông điệp tác giả gửi gắm tới bạn đọc.Đối với câu 4, học sinh cần rút ra bài học và phải giải thích, bàn luận vì sao mình có được bài học đó. Cần có liên hệ và viết sâu sắc mới được điểm tối đa”.
Đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.
Đối với câu nghị luận văn học vừa dễ vừa khó và đây cũng là câu có tính phân loại khá cao, lý do theo thầy Linh: “Với 9 câu đầu, là hành trình tìm về cội nguồn đất nước, chắc chắn các bạn sĩ tử đã ôn rất kỹ phần này. Tuy nhiên, 9 câu tiếp, là định nghĩa về đất nước, trong chiều rộng không gian địa lý – đây là phần bất ngờ của đề thi, bởi phần này đã xuất hiện trong đề thi chính thức năm 2017. Chính vì vậy, nhiều sĩ tử bất ngờ”.
Độ khó còn nằm ở dung lượng, đề dài, việc phần tích 18 câu thơ của một nhà thơ giàu triết lý suy tư sẽ gây khó khăn trong việc phân bố thời gian hợp lý.
Tính chất phân loại của đề nằm ở câu 3 đọc hiểu, thầy giáo dự đoán phổ điểm năm nay sẽ từ 5,5 đến 8,5.
Đề thi khá sát với nội dung ôn tập của thí sinh (Ảnh: Hữu Thắng).
Đề thi năm nay không lạ lẫm hay bất ngờ với đề thi năm nay, thậm chí tác phẩm “Đất nước” còn trong tác phẩm ôn thi trọng tâm là những đánh giá của thầy Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội.
“Đối với câu nghị luận xã hội đề cập tới vấn đề quen thuộc, gắn liền với quan điểm của giới trẻ hiện nay khi phải thể hiện cái tôi như thế nào trong các mối quan hệ khác nhau. Đề cũng thu hẹp nội dung hỏi từ đó phù hợp hơn với dung lượng thời gian. Nhưng các em rất dễ rơi vào khuôn sáo nếu không có góc nhìn mới mẻ”, thầy Hùng cho hay.
Qua theo dõi nhiều năm, thầy giáo cũng nhận thấy từ cách hỏi, tiếp cận vấn đề ngữ liệu, tác phẩm mà đề thi chọn đều quen thuộc không có gì sáng tạo so với các năm trước.
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Anh – Giáo viên môn Ngữ Văn tại Tuyensinh247.com cũng cho biết đề thi môn Ngữ Văn bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT và vẫn giữ nguyên cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT 2023. Học sinh trung bình có thể giải quyết được 5 – 6 điểm, học sinh khá có thể đạt được 7 điểm, mức 8.5 điểm trở lên có thể phân loại rõ ràng hơn đối tượng học sinh giỏi.
7 thí sinh vi phạm quy chế môn Ngữ văn
Ngay sau buổi thi sáng 27/6, Bộ GD&ĐT đã có báo cáo nhanh về buổi thi môn Ngữ văn. Cụ thể, rổng số thí sinh đăng kí dự thi môn Ngữ Văn: 1.054.601; tổng số thí sinh dự thi: 1.050.622 đạt tỉ lệ 99.62%. Tổng số điểm thi: 2323. Tổng số phòng thi: 45.149.
Số thí sinh vi phạm quy chế thi: 7 đình chỉ với 3 thí sinh mang tài liệu và 4 thí sinh sử dụng điện thoại di động. Số cán bộ vi phạm quy chế thi: 0.
Bộ GD&ĐT cho biết buổi thi Ngữ Văn diễn ra an toàn, trật tự, nghiêm túc, đúng quy chế. Số lượng thí sinh vi phạm quy chế thi giảm so với năm 2023 (năm 2023 buổi thi môn Ngữ Văn có 12 thí sinh vi phạm quy chế thi.
Tags:giáo dục
học sinh
giáo viên
nhà trường
đề thi
Ngữ văn
sáng tạo
Bộ GD&ĐT
Đất nước
câu hỏi
giải đề
Tin cùng chuyên mục