18/10/2024 11:35

Cao chiết và nước giải khát từ sâm Bố Chính

GD&TĐ - Các dòng sản phẩm từ sâm ngày càng được quan tâm như cao sâm, nước cốt sâm, mỹ phẩm... trong đó, cao chiết từ sâm là sản phẩm có dược tính tốt nhất.

Cao chiết và nước giải khát từ sâm Bố Chính

Nhóm nghiên cứu lựa chọn sâm Bố Chính một năm tuổi được trồng tại Khu Nông trường Việt Trung (Bố Trạch, Quảng Bình).

Cao chiết sâm Bố Chính có khả năng kháng oxi hóa và khả năng ức chế α-amylase khá cao trong khi nước giải khát có mùi vị thơm ngon, giàu dưỡng chất, chiết xuất hoàn toàn từ thảo dược.

Sản phẩm có dược tính tốt nhất

“Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất cao chiết và nước giải khát từ sâm Bố Chính Abelmoschus Sagittifolius” là đề tài do ThS Nguyễn Thị Thảo Minh cùng các cộng sự của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM thực hiện.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng những sản phẩm bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực của người tiêu dùng ngày càng tăng. Vì vậy, các sản phẩm từ dược liệu tự nhiên nói chung và sâm nói riêng được nhiều người ưa chuộng. Các dòng sản phẩm từ sâm ngày càng được quan tâm như cao sâm, nước cốt sâm, mỹ phẩm,... trong đó, cao chiết từ sâm là sản phẩm có dược tính tốt nhất.

Sâm Bố Chính được biết đến là loại thực vật có hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, mang lại những tác dụng tốt trong y học. Tuy nhiên sự đa dạng của sản phẩm sâm trên thị trường còn hạn chế, chủ yếu là củ sâm tươi hay Cao địa sâm, Cao sâm mật ong, Cao chiết hồng sâm, nước tăng lực hồng sâm…

ThS Thảo Minh cho biết, mục tiêu của nghiên cứu là xây dựng quy trình công nghệ sản xuất cao chiết và nước uống giải khát từ sâm Bố Chính, tạo ra các dòng sản phẩm mới có khả năng chuyển giao và cạnh tranh trên thị trường.

Thúc đẩy sự phát triển việc trồng và giải quyết đầu ra cho một loại nguyên liệu có giá trị dược lý cao, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa và làm phong phú thêm các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm tiện dụng, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng hiện đại”.

Với mục tiêu nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất cao chiết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp trích ly saponin tổng từ sâm Bố Chính bằng dung môi ethanol 70% thu được hàm lượng saponin tổng cao nhất đạt 1,99 ± 0,05d g/100gCK khi trích ly ở điều kiện tỉ lệ nguyên liệu: Dung môi 1:30, nhiệt độ trích ly 50 độ C và thời gian trích ly 75 phút.

Bên cạnh đó, tối ưu hóa điều kiện trích ly với tỉ lệ nguyên liệu là: Dung môi 1:31,8 (g/mL), nhiệt độ trích ly 51,7 độ C và thời gian trích ly 78,7 phút đã thu được hàm lượng saponin tổng đạt 2,06 ± 0,04 g/100gCK, tăng 3,06% so với phương pháp thực nghiệm cổ điển đơn yếu tố. Dịch chiết sâm Bố Chính sau khi được trích ly được cô đặc để loại bỏ dung môi.

Giữ nguyên hoạt chất

Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn sâm Bố Chính (Abelmoschus Sagittifolius) một năm tuổi được trồng tại Khu Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Hai phương pháp được sử dụng để cô đặc là cô quay chân không và cô đặc bằng màng membrane. Qua kết quả khảo sát cho thấy, cao chiết được cô đặc bằng phương pháp cô quay chân không ở nhiệt độ 55 độ C ở áp suất 500mmHg cho đến khi đạt hệ số cô đặc CF=30 giữ được hàm lượng saponin triterpenoid và hoạt tính kháng oxi hóa tốt hơn khi cô đặc bằng màng membrane. Đồng thời, xét về chi phí kinh tế thì phương pháp cô đặc bằng cô quay chân không cũng tiết kiệm chi phí hơn.

Cũng theo ThS Nguyễn Thị Thảo Minh, cao chiết sâm Bố Chính có khả năng kháng oxi hóa và khả năng ức chế α-amylase khá cao. Khả năng kháng oxi hóa của cao chiết sâm Bố Chính trích ly bằng dung môi ethanol 70% có giá trị IC50 đạt 406,87 µg/mL. Khả năng kháng α-amylase của cao chiết trích ly theo phương pháp dùng dung môi có IC50 = 340,12 µg/mL.

Ngoài việc nghiên cứu quy trình sản xuất cao chiết từ sâm Bố Chính, nhóm nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm 1.000 lít nước giải khát từ sâm Bố Chính. Để thực hiện được mục tiêu này, phương pháp trích ly có hỗ trợ siêu âm cho hàm lượng saponin triterpenoid cao nhất trong tất cả các phương pháp trích đã được thực hiện.

Từ kết quả thực nghiệm thu được cho thấy việc xử lý siêu âm tại điều kiện tối ưu giúp tăng hiệu quả trích ly, tiết kiệm thời gian so với phương pháp trích ly khác.

Sản phẩm nước giải khát từ sâm Bố Chính được tạo thành từ việc phối chế dịch chiết sâm Bố Chính 14,8% với dịch chiết actiso đỏ + cam thảo 1%, đường 6,97%, mật ong 0,3%, agar 1% và xathan gum 0,98% cùng với nước cho mức độ ưa thích là tối ưu nhất.

Đánh giá chất lượng sản phẩm nước giải khát từ sâm Bố Chính, ThS Nguyễn Thị Thảo Minh cho biết, sản phẩm sản xuất thử nghiệm đạt tiêu chuẩn vi sinh, được đánh giá cao về tính tiện lợi trong việc sử dụng.

Trong đó, sản phẩm có hàm lượng chất hoà tan là 18 - 19 %, độ pH là 5,5 - 6,0. Ngoài ra, đề tài cũng đã nghiên cứu và lựa chọn được một số thiết bị chính trong quy trình sản xuất bao gồm: Thiết bị sấy chân không, thiết bị nghiền, thiết bị ly tâm và bồn trích ly, bồn phối trộn đã được tính toán và thiết lập các thông số kỹ thuật để thiết kế.

Việc tạo ra các sản phẩm giàu các hoạt tính sinh học sâm Bố Chính sẽ giúp đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường, đồng thời giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận với những dòng sản phẩm mới có chất lượng cao và giá cả phù hợp.

Tin liên quan Công dụng đặc biệt từ cao chiết cây tầm bóp Cao chiết từ dứa dại bảo vệ gan

Tags:

sâm Bố Chính

cao chiết sâm Bố Chính

nước giải khát sâm Bố Chính

sức khỏe

tinh túy sức khỏe

thuốc nam

cao chiết

Tin cùng chuyên mục