24/09/2022 10:39

Các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất

 

Fed vừa quyết định nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên mức 3-3,25%, cao nhất kể từ năm 2008, nhằm quyết tâm hạ nhiệt lạm phát.

Ngay sau hành động của Fed, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đồng loạt tăng lãi suất.

Cụ thể, ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Anh công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% từ mức 1,75% lên 2,25%. Song mức tăng lãi suất này vẫn thấp hơn so với mức dự đoán 0,75% của giới phân tích.

Sau quyết định của Fed, tỷ giá đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985 so với USD và ở mức thấp nhất so với rổ tiền tệ kể từ năm 2020.

Cũng trong ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã công bố tăng lãi suất 0,75 điểm % lên 0,5%, chấm dứt một kỷ nguyên lãi suất âm ở châu Âu. Đây là lần tăng lãi suất thứ hai của Thụy Sĩ trong vòng 15 năm qua. Vào ngày 16/6, ngân hàng trung ương nước này tăng lãi suất lên -0,25%. Kể từ năm 2015, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ luôn giữ lãi suất ổn định ở mức -0,75% nhằm kiềm chế sự tăng giá của đồng franc Thụy Sĩ.

Các quốc gia đồng loạt tăng lãi suất

Đợt tăng lãi suất này diễn ra trong bối cảnh lạm phát ở Thụy Sĩ đạt mức 3,5% trong tháng trước, mức cao nhất trong 30 năm. Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ cho biết việc tăng lãi suất chính sách là nhằm chống lại áp lực của lạm phát gia tăng.

Với động thái tương tự, Ngân hàng Trung ương Na Uy vừa thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.

Ở Trung Đông, ngay sau khi Fed công bố tăng lãi suất, nhiều ngân hàng trung ương ở vùng Vịnh cũng có động thái điều chỉnh lãi suất, do nhiều đồng tiền trong khu vực đều được gắn với đồng USD.

Trong đó, Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã tăng lãi suất mua lại và mua lại đảo ngược thêm 75 điểm %, lên lần lượt là 3,75% và 3,25%. Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, lên 3,15%, kể từ ngày 22/9.

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Qatar cũng nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,75%, nâng lãi suất cho vay lên 4,5% trong khi lãi suất huy động lên 3,75%. Ngân hàng Trung ương Bahrain cũng nâng lãi suất chính sách với tiền gửi kỳ hạn 1 tuần lên 4%

Cùng xu hướng, Kuwait cũng tăng lãi suất chiết khấu chính thêm 0,25% lên 3%. Trong khi đó, Oman, thành viên còn lại của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm 6 quốc gia, cho biết sẽ có động thái tương tự.

Tại châu Á, ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Philippines đã điều chỉnh lãi suất chủ chốt tăng thêm 0,5% lên 4,25%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2019, nhằm chống lại giá cả hàng hóa đang tăng cao.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Indonesia công bố nâng lãi suất chính sách thêm 0,5%, từ mức 3,75% lên mức 4,25%, cao hơn so với dự đoán của giới chuyên gia. Đây là lần tăng lãi suất trong tháng thứ hai liên tiếp của Indonesia nhằm kiềm chế lạm phát trong nước.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, ngân hàng trung ương nước này ngày 22/9 thông báo vẫn duy trì mức lãi suất -0,1% đối với lãi suất ngắn hạn và 0% đối với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng quyết định loại bỏ dần kế hoạch cho vay cứu trợ liên quan đến đại dịch Covid-19 mà mở rộng hoạt động thanh khoản để đáp ứng nhu cầu cấp vốn của doanh nghiệp nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong chiều 22/9, Nhật Bản đã có động thái can thiệp thị trường ngoại hối bằng cách bán ra đồng USD và mua vào đồng Yenđể ngăn đà giảm của đồng tiền này trước USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 24 năm qua, Nhật Bản thực hiện mua vào đồng Yen để can thiệp tỷ giá. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Yen đã mất giá gần 20%, xuống mức thấp nhất trong 24 năm.

Còn tại Việt Nam, chiều tối 22/9, Ngân hàng Nhà nước đã công bố tăng một loạt lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%; lãi suất không kỳ hạn tăng từ 0,2% lên 0,5%; lãi suất cho vay qua đêm và vay bù thiếu hụt tăng lên 6%. Mức lãi suất mới bắt đầu áp dụng từ hôm nay (23/9).

Tags:

lãi suất

tăng lãi suất

lãi suất tăng

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ

Fed

tỷ giá

lạm phát

Tin cùng chuyên mục