Cả xã mất hơn 16 tỷ đồng vì thủy điện xả lũ, nửa năm chưa được bồi thường
Ông Ka Phu Kiên - Phó Chủ tịch xã Cà Dy (huyện Nam Giang, Quảng Nam) cho hay, sau cơn lũ đó, đến bây giờ thủy điện Đăk Mi 4 vẫn chưa đền bù thiệt hại cho bà con bị thiệt hại ở xã.
"Đến thời điểm này, đời sống của những hộ dân bị thiệt hại do xả lũ rất khó khăn, đặc biệt là những hộ trôi nhà. Có 5 hộ bị trôi nhà hiện tại vẫn chưa có chỗ ở ổn định để đảm bảo cuộc sống", ông Ka Phu Kiên nói.
Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ gây thiệt hại tài sản của người dân huyện Nam Giang.
Theo ông Ka Phu Kiên, trong số 483 hộ dân ở xã Cà Dy bị thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ có 5 hộ trôi nhà hoàn toàn đang tự khắc phục hậu quả, nguồn hỗ trợ này từ các mạnh thường quân, các tổ chức thiện nguyện và một phần nguồn hỗ trợ của tỉnh phân bổ về Phòng LĐ-TB&XH của huyện để hỗ trợ bà con.
Một số hộ đang tiến hành làm lại nhà như hộ ông A Lăng Giới và ông A Lăng Dương.Tuy nhiên, việc khắc phục lại hậu quả chỉ được 60-70%. Như một số nhà đang dựng nhưng chưa lợp được mái vì không đủ tiền, 1 số nhà đang xây nhưng không có xà gồ để lợp tôn,...
"Chính quyền lẫn người dân rất bức xúc trong vấn đề hỗ trợ, đền bù thiệt hại của bà con. Chúng tôi tha thiết đề nghị Công ty thủy điện Đăk Mi hỗ trợ thiệt hại cho người dân để bà con có cuộc sống ổn định trong thời gian tới", ông Ka Phu Kiên nói.
Nhà của ông A Lăng Giới bị trôi hoàn toàn do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ vào ngày 28/10/2020.
Tại cuộc họp lần thứ 4 giữa chính quyền huyện Nam Giang và lãnh đạo nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Vũ Đức Khánh - Tổng giám đốc CP thủy điện Đăk Mi cho hay, đơn vị ông hoạt động theo luật doanh nghiệp, chia làm 3 cấp quản lý. Cấp thứ nhất là Hội đồng cổ đông, cấp thứ 2 là Hội đồng quản trị và cấp thứ 3 là Ban Tổng giám đốc công ty.
Theo ông Khánh, tất cả việc liên quan đến những giao ước hay giao kết thì sẽ do Hội đồng quản trị và Hội đồng cổ đông quyết định.
"Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện Nam Giang, Ban Tổng giám đốc Công ty cũng đã báo cáo Hội đồng quản trị xin chủ trương hỗ trợ và mức hỗ trợ sẽ được phê duyệt ở mức bao nhiêu để báo cáo. Tuy nhiên, tôi cũng lấy làm tiếc là theo điều lệ Hội đồng quản trị cũng không có thẩm quyền quyết định việc này (việc đền bù hỗ trợ cho bà con - PV) mà bắt buộc Hội đồng quản trị phải báo cáo lên Hội đồng cổ đông", ông Vũ Đức Khánh phát biểu tại cuộc họp.
Theo ông Khánh, kỳ đại hội cổ đông sắp tới sẽ báo cáo việc này.
Cũng theo ông Khánh, với trách nhiệm của một Tổng giám đốc điều hành công ty, ông đang xin chủ trương lãnh đạo cấp trên một phần chi phí thiệt hại khác do cơn lũ gây ra.
Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, hiện ông A Lăng Giới đang làm lại ngôi nhà của mình.
Trước đó, ngày 10/3/2021, UBND huyện Nam Giang đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và Công ty CP thủy điện Đăk Mi đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, với tổng số tiền hơn 16,1 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông A Viết Sơn - Chủ tịch huyện Nam Giang cho hay, huyện đã có số liệu cụ thể về mức độ thiệt hại của bà con, huyện cũng nhiều lần làm việc với phía Công ty CP thủy điện Đăk Mi, báo cáo về UBND tỉnh và tỉnh đã có văn bản chỉ đạo.
Ông A Viết Sơn cho rằng, Công ty CP thủy điện Đăk Mi có trách nhiệm hỗ trợ cho người dân ngoài Nghị định 02 liên quan đến tài sản của dân.
"Công ty CP thủy điện Đăk Mi có đề nghị hỗ trợ 50% đối với tài sản của người dân, việc này chúng tôi thấy chưa phù hợp vì số lượng thiệt hại thực tế và tài sản của bà con làm ra như vậy mà chỉ hỗ trợ như thế thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, an sinh xã hội của người dân…", ông A Viết Sơn nói.
Chủ tịch huyện Nam Giang cũng đề nghị Công ty CP thủy điện Đăk Mi khẩn trương hỗ trợ cho người dân, giải quyết dứt điểm trước ngày 15/4/2021, không để xảy ra bức xúc trong nhân dân.
>>>>>>> Xem thêm : Những chuyen la viet nam trên báo ngoisao.vn
Tags:Tin tức xã hội
giải trí
sao việt
sức khỏe gia đình
thể thao
làm đẹp
Tin cùng chuyên mục