Bulgaria từ bằng hữu tới đối thủ của Nga
Một tuần sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đại sứ Nga tại Bulgaria Eleonora Mitrofanova hôm 2/3 leo lên đèo Shipka phủ đầy tuyết trắng để tôn vinh những người lính Nga thời Sa hoàng tử trận khi chiến đấu chống Đế chế Ottoman để giúp Bulgaria giành độc lập vào thế kỷ 19.
Nhưng người Bulgaria hiện nay dường như không còn nhớ tới những người lính Nga đã bỏ mạng ở đèo Shipka hơn 140 năm trước. Cùng ngày, Bulgaria đã trục xuất hai cấp dưới của đại sứ Nga và tuyên bố bắt một sĩ quan quân đội cấp cao với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Kể từ đó, Bulgaria, một quốc gia mà Moskva từ lâu xem là người bạn đáng tin cậy nhất ở châu Âu, đã trở thành đối thủ của Nga khi cùng với các thành viên Liên minh châu Âu áp biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn với Moskva, hỗ trợ Ukraine sửa chữa trực thăng và xe quân sự, cũng như trục xuất nhiều nhà ngoại giao Nga.
"Trước đây, Nga luôn có ảnh hưởng lớn ở Bulgaria, nhưng chúng tôi đã gây bất ngờ lớn cho họ", Thủ tướng Kiril Petkov nói tuần trước tại thủ đô Sofia. "Họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra".
Tổng thống Bulgaria Rumen Radev (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại sự kiện ở St. Petersburg, Nga hồi tháng 6/2019. Ảnh: Reuters.
Mối quan hệ giữa Nga và Bulgaria, một thành viên của EU và NATO, từng rất sâu sắc khi hai nước có nhiều gắn kết về lịch sử, tôn giáo và văn hóa. Dưới thời Liên Xô, liên kết này chặt chẽ đến mức Bulgaria thậm chí được gọi là "nước cộng hòa thứ 16" của Liên Xô. Hồi tháng 11/2021, khi đắc cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev kêu gọi phương Tây thúc đẩy đối thoại với Nga, lập luận rằng các biện pháp trừng phạt Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 không phát huy hiệu quả.
Diễn biến hiện nay cho thấy xung đột Ukraine dường như đã khiến quan hệ Nga - Bulgaria đi chệch khỏi hướng mà Tổng thống Vladimir Putin mong muốn.
Nga tháng trước đột ngột thông báo ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Bulgaria, khiến đồng minh vùng Balkan trước đây trở thành quốc gia đầu tiên cùng với Ba Lan hứng chịu đòn giáng bằng vũ khí năng lượng của Moskva.
Ông Petkov cáo buộc Moskva đã phát động các cuộc tấn công mạng nhắm vào máy chủ của công ty năng lượng nhà nước Bulgaria và làm tê liệt các khoản thanh toán lương hưu của dịch vụ bưu chính. Thủ tướng Bulgaria mô tả đây là nỗ lực để gây bất ổn ở quốc gia này.
Chính phủ liên minh của ông Petkov hiện phụ thuộc phần lớn vào khả năng tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế với sự giúp đỡ của EU và Mỹ. Thủ tướng Bulgaria tuần trước đến thăm Washington, nơi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết "đoàn kết" để ứng phó với việc vũ khí hóa năng lượng của Nga.
Assen Vassilev, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Bulgaria, nhấn mạnh Bulgaria đang từng bước đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế bằng đường ống từ Azerbaijan và thông qua vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng bằng đường biển đến các kho lưu trữ của nước láng giềng Hy Lạp để vận chuyển về phía bắc Bulgaria.
"Đối với chúng tôi, Gazprom giờ là quá khứ", Vassilev nói. Ông thêm rằng Moskva đã phạm sai lầm khi thúc đẩy các nước vùng Balkan nhanh chóng bắt tay để đối phó với nguy cơ Nga đột ngột cắt nguồn cung.
"Điều này khiến tôi rất hy vọng rằng vũ khí năng lượng sẽ phản tác dụng", ông cho hay.
Đại sứ Nga tại Bulgaria Mitrofanova đã có một số phát ngôn gây mất lòng nước sở tại. Bà thậm chí còn chọc giận cả những người Bulgaria thân Nga trước đây khi so sánh chiến dịch quân sự ở Ukraine với hoạt động can thiệp quân sự thời Sa hoàng chống lại đế chế Ottoman ở Balkan, giúp Bulgaria trở thành một quốc gia độc lập.
"Nga từng giải phóng Bulgaria, giờ là lúc Nga giải phóng Donetsk và Lugansk", bà Mitrofanova nói hồi tháng 3, đề cập tới hai vùng ly khai ở Donbass, miền đông Ukraine.
Daniela Koleva, nhà sử học tại Đại học Sofia, nói so sánh này "gây làn sóng phẫn nộ" trong dư luận Bulgaria, khi người dân nước này cho rằng đây là quan điểm một chiều về lịch sử, bóp méo các sự kiện phức tạp trong quá khứ.
Người biểu tình phản đối chiến dịch của Nga ở Ukraine tại Sofia, Bulgaria hôm 9/5. Ảnh: AFP.
Bà Koleva cho biết nhiều người Bulgaria thừa nhận họ được hưởng lợi từ sự giúp đỡ của Nga trong thế kỷ 19 và vẫn cảm thấy biết ơn. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự đồng cảm dành cho Nga ở Bulgaria vẫn mạnh mẽ hơn các nước khác ở châu Âu.
Nhưng theo cuộc khảo sát do truyền hình nhà nước Bulgaria thực hiện vào tháng 3, sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine, hơn 60% người được hỏi ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Moskva, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Putin đã giảm hơn một nửa, xuống mức 25%.
"Chiến dịch quân sự ở Ukraine đã xóa tan những cảm tình mà chúng tôi dành cho Nga", Ruslan Stefanov, giám đốc chương trình của Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ, tổ chức nghiên cứu tại Sofia, nói.
Khi chính phủ Bulgaria đệ trình nghị quyết cho phép "hỗ trợ kỹ thuật quân sự" cho Ukraine lên quốc hội tuần trước, ngay cả đảng Xã hội vốn ủng hộ Nga cũng bỏ phiếu thông qua. Đảng duy nhất bỏ phiếu chống là Revival, một đảng dân tộc chủ nghĩa đã tuần hành thường xuyên để ủng hộ chiến dịch của Nga.
Kostadin Kostadinov, lãnh đạo Revival, thừa nhận quyết định cắt khí đốt của Nga không phải là hành động thân thiện, nhưng nói thêm chính Bulgaria "đã bắt đầu cuộc chiến" này với Moskva bằng cách áp các biện pháp trừng phạt và trục xuất nhân viên ngoại giao.
Trước khi Gazprom thông báo cắt nguồn cung vào cuối tháng 4, 90% lượng khí đốt tự nhiên mà Bulgaria tiêu thụ đến từ Nga.
Tuy nhiên, Thủ tướng Petkov khẳng định Nga đã tính toán sai lầm khi dùng khí đốt để gây sức ép kinh tế buộc Bulgaria thay đổi chính sách về Ukraine.
"Nếu quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Nga với GDP bình quân đầu người thấp nhất EU đủ khả năng đối đầu với Moskav, những nước còn lại trong khối đều có thể làm được điều đó", ông nói.
Mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu của EU. Bấm vào hình để xem chi tiết.
Thanh Tâm
Tags:Nga
xung đột Ukraine
quan hệ Nga - Bulgaria
cắt nguồn cung khí đốt
biện pháp trừng phạt
Chính trị xã hội thế giới
Tình huống
Tin nóng
Tin cùng chuyên mục